Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Phóng viên: Tỉnh Tuyên Quang hiện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, và các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất trong khu vực này đều tổ chức các bữa ăn ca cho công nhân. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn kiến nghị, thương lượng với chủ doanh nghiệp về tổ chức thực hiện bữa ăn ca cho người lao động như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 128/KH-LĐLĐ ngày 15/3/2016 về Thực hiện Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) “Về chất lượng bữa ăn ca của người lao động” để triển khai tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung vào việc thực hiện tốt các nhóm giải pháp như nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chất lượng bữa ăn ca; Đẩy mạnh thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động; Chủ động và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động.
100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã có văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện tới các công đoàn cơ sở.
Hàng năm LĐLĐ tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc đôn đốc, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động tham gia với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe; quan tâm thực hiện chế độ ăn ca cho người lao động. Căn cứ tình hình thực tế, chủ động đưa nội dung đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết (hoặc sửa đổi) thỏa ước lao động tập thể hằng năm. Thường xuyên giám sát về chất lượng bữa ăn ca, kịp thời phản ánh, kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại diện công đoàn các khu công nghiệp tỉnh giám sát chất lượng bữa ăn ca tại bếp ăn Nhà máy may MSA-YB (Khu Công nghiệp Long Bình An).
Phóng viên: Qua kiểm tra thực tế, đồng chí có đánh giá gì về chất lượng bữa ăn ca của công nhân trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 90 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã có chế độ bữa ăn ca bằng các hình thức khác nhau, chiếm trên 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Việc tổ chức các bữa ăn tại các doanh nghiệp, nhà máy chủ yếu do doanh nghiệp tự nấu hoặc thuê đơn vị nấu ăn. Chế độ bữa ăn không được quy định trong bộ luật lao động nên không có căn cứ pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện, mà do công đoàn cơ sở kiến nghị, đối thoại, thương lượng.
Qua giám sát, lắng nghe ý kiến người lao động, có những đơn vị thực hiện tốt bữa ăn cho công nhân, nhưng cũng có những đơn vị bữa ăn ca chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa bảo đảm… Nguyên nhân chủ yếu là do một số người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng bữa ăn ca với sức khỏe người lao động. Cán bộ công đoàn ở một số nơi chưa phát huy vai trò trong đề xuất, thương lượng cũng như giám sát chất lượng bữa ăn ca; chưa kịp thời, sát sao đến tâm tư, tình cảm của người lao động…
LĐLĐ tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đã thực hiện chế độ ăn ca đối với người lao động nhưng chưa đảm bảo về mức chi tiền ăn ca thì thực hiện điều chỉnh để đạt mức chi tiền ăn ca theo chỉ đạo của tỉnh. Đối với doanh nghiệp chưa thực hiện chế độ ăn ca đối với người lao động thì căn cứ tình hình thực tế để thực hiện theo hình thức phù hợp, đảm bảo đạt mức chi tiền ăn ca theo chỉ đạo của tỉnh. Rà soát, bổ sung nội dung thực hiện chế độ ăn ca đối với người lao động vào thỏa ước lao động tập thể, quy chế nội bộ của doanh nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tích cực chủ động kiến nghị với người sử dụng lao động thực hiện chế độ ăn ca đối với người lao động đảm bảo mức chi tiền ăn ca. Trong đó, đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ ăn ca đối với người lao động theo hình thức tự tổ chức nấu tại bếp ăn của doanh nghiệp hoặc hình thức hỗ trợ bằng tiền đảm bảo mức chi tối thiểu từ 18.000 đồng/suất trở lên. Doanh nghiệp thực hiện theo hình thức thuê đơn vị cung cấp suất ăn ca đảm bảo mức chi tối thiểu từ 22.000 đồng/suất trở lên. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức chi tiền ăn ca cao hơn các mức tối thiểu nêu trên, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện mức chi tiền ăn đối với người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.
Phóng viên: Việc để xảy ra ngộ độc thực phẩm với công nhân sau những bữa ăn ca đang khiến người lao động lo lắng, nếu không có giải pháp kịp thời, có thể xảy ra những hệ quả xấu như nghỉ việc tập thể, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Theo đồng chí, để hạn chế tối đa tình trạng này, cần có những giải pháp gì? Và vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở cần phát huy như nào trong việc có ý kiến, giám sát chất lượng bữa ăn ca cho công nhân?
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy: LĐLĐ tỉnh tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đối với việc tổ chức bữa ăn ca cho người lao động. Cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ dinh dưỡng về chăm sóc bữa ăn ca cho doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở và bộ phận phụ trách bữa ăn ca cho người lao động tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở là rất quan trọng. Vì trên thực tế, nơi nào tổ chức công đoàn cơ sở sâu sát, trách nhiệm, thì ở đó, việc giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Công đoàn cơ sở cũng phải chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng bữa ăn ca thông qua đối thoại và thỏa ước lao động tập thể, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết